Cơ sở nào để dự báo GDP của Việt Nam năm 2019 tăng 7%?

Nguyễn Hằng/VOV1Vov.vn
01:38' CH - Thứ ba, 25/12/2018

Tăng trường kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, nhưng chuyên gia dự đoán trong năm 2019 kinh tế nước ta có thể đạt mức tăng trưởng 7%.

Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ ở mức 7%. Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia để làm rõ hơn về những cơ sở trong dự báo tăng trưởng GDP năm 2019.

PV: Thưa ông, Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ ở mức 7%. Vậy, đâu là cơ sở cho nhận định này, thưa ông?

Ông Trương Văn Phước: Năm 2018 cải cách về kinh tế, đặc biệt là cải cách về môi trường đầu tư đã được thông thoáng hơn. Chính phủ kiên quyết cắt giảm các giấy phép tạo nhiều động lực tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... Năm 2019, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 7% đến từ việc phân tích và dự báo về tình hình kinh tế thế giới và trong nước.

Kinh tế thế giới bên cạnh việc lo ngại chiến tranh thương mại vẫn đang còn diễn ra thì vẫn có mặt thuận lợi. Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới năm 2019 được dự báo không còn tăng nhiều như năm 2018. Các chính sách tiền tệ của nhiều nước (ví như Mỹ) sẽ điều hành thận trọng hơn để nền kinh tế Mỹ duy trì tăng trưởng, lạm phát của toàn cầu cũng sẽ giảm, lạm phát của nền kinh tế mới nổi cũng giảm, giá xăng dầu không tăng nhiều … sẽ có những hỗ trợ tích cực cho kinh tế Việt Nam trong năm 2019.


Ông Trương Văn Phước

Diễn biến thị trường trong nước cũng được dự báo sẽ có nhiều hỗ trợ cho tăng trưởng GDP trong năm 2019, đó là: chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện… Với các điểm đó, chúng tôi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 đạt ở mức 7%, giữ lạm phát dưới 4% .

PV: Các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực dịch vụ được nhận định là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2018. Vậy, trong năm 2019 này động lực cho tăng trưởng kinh tế sẽ đến từ đâu thưa ông?

Ông Trương Văn Phước: Chúng tôi cho rằng, tuy có dấu hiệu giảm tốc nhưng công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ vẫn có nhiều điều kiện để phát triển trong năm 2019. Năm 2018 nông nghiệp phát triển tốt nhưng ở vài quý cuối năm có thể trững lại do tác động của thị trường thế giới. Với những chính sách trong thời gian qua, cần có độ trễ để thẩm thấu vào nền kinh tế. Tổng thể lại, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 là tốt và đạt được 7%.

PV: Vậy theo ông đâu là những thách thức lớn nhất của kinh tế đất nước trong năm 2019?

Ông Trương Văn Phước: Thách thức của Việt Nam nằm trong thách thức của nền kinh tế thế giới, do chúng ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, độ mở cũng vậy. Điểm lo ngại nhất của toàn thế giới hiện nay là chiến tranh thương mại bao giờ cũng có hai mặt. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động ngay đến khối lượng thương mại của Việt Nam từ mức tăng 5,2% năm 2017 đã giảm xuống 4,2% trong năm 2018. Các dự báo cho thấy khối lượng thương mại của Việt Nam 2019 sẽ tiếp tục giảm xuống mức khoảng 4%.

Chúng ta là một nền kinh tế mở và tăng trưởng kinh tế của chúng ta dựa nhiều vào xuất khẩu, nếu quy mô thương mại toàn cầu giảm xuống khi đó xuất khẩu của đất nước sẽ khó khăn. Đó là những thách thức, những thách thức lớn hơn cả đó là tính linh hoạt và thích ứng của chúng ta ở dưới góc độ các chính sách vĩ mô như thế nào? Đồng thời khơi dậy được tiềm năng của nền kinh tế. Điều chúng ta nói trước đó là tính linh hoạt trong hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô để thích ứng với điều kiện toàn cầu như hiện nay.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Vov.vn
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Đơn vị thiết lập website: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn